Hương Sơn phong cảnh ca Bài ca phong cảnh Hương Sơn

Việt Nam / Lớp 11 » Chu Mạnh Trinh

Nội dung

Mưỡu:
Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.

Hát nói:
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến[1] cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình[2],
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan[3], này chùa Cửa Võng[4],
Này am Phật Tích[5], này động Tuyết Quynh[6].
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt?
Lần tràng hạt niệm “Nam vô Phật”,
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu!
[1] Một dòng suối thuộc làng Yến Vĩ, đưa đường từ phía bến Đục vào chùa Hương.
[2] Chày đánh chuông giống hình con cá kình.
[3] Trên đường từ chùa Thiên Trù vào động Hương Tích khoảng 1200m thì đến suối Giải Oan, gắn với tích “Sau k hi được thần núi cứu từ pháp trường về chùa Hương, tại đây Bà Chúa Ba tắm rửa sạch bụi trần, trút bỏ hết nỗi oan khiên, rồi được đức Phật tổ Như Lai chỉ vào động Hương Tích tu hành… chín năm thành chính quả…”
[4] Tên một ngôi chùa ở đường vào chùa trong.
[5] Am lưu dấu vết của Phật. Tục truyền nơi này Quan âm bồ tát hoá kiếp.
[6] Một động nhỏ gần động Hương Tích, thường gọi là chùa Tuyết.
Hương Sơn (hay chùa Hương) là một quần thể thắng cảnh và kiến trúc nổi tiếng ở huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây. Lễ hội chùa Hương diễn ra vào mùa xuân, từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch hằng năm.

Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được chuyển thành đọc thêm trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.

Nguồn:
1. Tuyển tập thơ ca trù, NXB Văn học, 1987
2. Xứ Đoài thơ, Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống biên soạn, NXB Hội nhà văn, 2012