Xuất dương lưu biệt Lưu biệt khi xuất dương

Việt Nam / Lớp 11 » Phan Bội Châu

Nội dung

出洋留別

生為男子要希奇,
肯許乾坤自轉移。
於百年中須有我,
起千載後更無誰。
江山死矣生圖汭,
賢聖遼然誦亦癡。
願逐長風東海去,
千重白浪一齊飛。


Xuất dương lưu biệt

Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.


Dịch nghĩa

Đã sinh làm kẻ nam nhi thì cũng phải mong có điều lạ,
Há lại để trời đất tự chuyển vần lấy sao!
Giữa khoảng trăm năm này, phải có ta chứ,
Chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư?
Non sông đã chết, sống chỉ nhục,
Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!
Mong đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông,
Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.


Dịch thơ (Tôn Quang Phiệt)

Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?
Non sông đã mất, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.


Dịch thơ (Đào Trinh Nhất)

Khác thường bay nhảy mới là trai,
Chẳng chịu vần xoay mặc ý trời!
Trong cuộc trăm năm đành có tớ,
Rồi sau muôn thuở há không ai?
Non sông đã mất, mình khôn sống,
Hiền thánh đâu còn, học cũng hoài.
Ðông hải xông pha nương cánh gió.
Nghìn làn sóng bạc múa ngoài khơi.
Vào những năm đầu thế kỉ XX, đối với các nhà yêu nước Việt Nam, hướng về Nhật Bản cũng có nghĩa là hướng về một chân trời mới đầy hi vọng và ước mơ. Ngày mùng 2 tháng 1 năm Ất Tị 1905, trước lúc lên đường sang Nhật Bản, ông làm bài thơ Lưu biệt khi xuất dương để giã bạn bè, đồng chí ở cảng Hải Phòng. Ông có chép bài này trong Ngục trung thư.

Nguồn:
1. Văn thơ Phan Bội Châu, NXB Văn học, 1965
2. Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục - Chương 2, NXB Văn hoá Thông tin, 2004