Nhàn

Việt Nam / Lớp 10 » Nguyễn Bỉnh Khiêm

Văn mẫu

Nội dung

Một mai[1], một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai[2] vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu, đến cội cây[3], ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao[4].
[1] Mai: dụng cụ đào đất, xắn đất.
[2] Dầu ai: mặc cho ai. Dù ai có cách vui thú nào cũng mặc, tôi cứ thơ thẩn (giữa cuộc đời này).
[3] Cội cây: gốc cây
[4] Hai câu 7 và 8 tác giả có ý dẫn điển Thuần Vu Phần uông rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hoè, rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An, được công danh phú quý rất mực vinh hiển. Sau bừng mắt tỉnh dậy thì hoá ra đó là giấc mộng, thấy dưới cành hoè phía nam chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó điển này có ý: phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lạ tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập (khoảng 700 bài) và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi (khoảng trên 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Nhàn là bài thơ Nôm trong Bạch Vân quốc ngữ thi. Bài thơ vốn không có tựa đề, mà đề bài thơ do người đời sau đặt.

Nguồn: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập II), NXB Văn học, Hà Nội, 1976