Nguyễn Công Trứ 阮公著

Việt Nam / Lớp 11

Tác phẩm

Tác giả

Nguyễn Công Trứ 阮公著 (1778-1858) tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, xuất thân trong một gia đình Nho học, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ cho đến năm 1819, ông sống nghèo khó và chính trong thời gian này, Nguyễn Công Trứ đã có điều kiện tham gia sinh hoạt hát ca trù vốn khá phát triển ở làng Cổ Đạm gần làng ông. Năm 1819, ông thi đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan. Bằng cuộc đời của chính bản thân, ông đã chứng tỏ mình là người có tài năng và nhiệt huyết trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, từ văn hoá, kinh tế đến quân sự. Nhưng con đường làm quan của Nguyễn Công Trứ không bằng phẳng. Ông được thăng chức và bị giáng chức thất thường. Có lúc, Nguyễn Công Trứ được bổ nhiệm làm Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị giáng chức làm lính thú ở Quảng Ngãi.

Ông là một tri thức có tài, có chí, khao khát sự nghiệp công danh, làm quan nhiều lần bị thăng giáng nhưng vẫn trung thành phục vụ triều Nguyễn. Ông sống thanh bần, thích tự do, phóng túng và thái độ thì rất ngang tàng, ngạo nghễ ở đời. Ông giúp dân lấn biển, lập ra các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình). 80 tuổi, ông còn dâng sớ xin cầm quân đánh pháp xâm lược, nhưng vì già yếu nên không được chấp nhận, rồi cùng năm đó, ông mất.

Nguyễn Công Trứ sáng tác hầu hết bằng chữ Nôm. Thể loại ưa thích của ông là hát nói (hát nói là một điệu của ca trù nên có người còn gọi chung là ca trù). Hát nói đã khá phổ biến từ các thế kỉ trước, nhất là cuối thế kỉ XVIII, song Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên đã có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó. Thơ văn của ông chỉ còn khoảng 150 bài, nhiều nhất là ca trù và thơ Nôm.