Lời tiễn dặn (trích “Tiễn dặn người yêu”)

Việt Nam / Lớp 10 » Khuyết danh Việt Nam

Nội dung

1.
Quảy gánh qua đồng ruộng,
Người đẹp anh yêu cất bước theo chông.
Vừa đi vừa ngoảnh lại,
Vừa đi vừa ngoái trông,
Chân bước xa lòng càng đau nhớ.
Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,
Tới rừng cà gắt là cà ngồi đợi,
Tới rừng là ngón[1] ngóng trông.
Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi;
Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,
Được dặn đôi lời, anh yêu em[2] mới chịu quay đi.
/.../
Xin hãy cho anh kề vóc mảnh,
Quấn quanh vai ủ lấy hương người,
Cho mai sau lửa xác đượm hơi[3]
Một lát bên em thay lời tiễn dặn!
Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,
Bé xinh hãy đưa anh bồng,
Cho anh bế con dòng, đừng ngượng,
Nựng con rồng, con phượng, đừng buồn.[4]
/.../
“Đôi ta yêu nhau, đợi tói tháng Nam lau nở,
Đợi mùa nước đỏ[5] cá về,
Đợi chim tăng ló[6] hót gọi hè.
Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,
Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già.”
/.../

2.
– “Dậy đi em, dậy đi em ơi!
Dậy rũ áo kẻo bọ[7],
Dậy phủi áo kẻo lấm!
Đầu bù anh chải cho,
Tóc rối đưa anh búi hộ!”
Anh chặt tre về đốt gióng đầu,
Chặt tre dày, anh hun gióng giữa,
Lam[8] ông thuốc này em uống khỏi đau.
Tơ rối đôi ta cũng gỡ,
Tơ vò ta vuốt lại quay guồng;
Quay lại guồng gỗ tốt cán thuôn,
Về với người ta thương thưở cũ.
Chết ba năm hình con treo đó;
Chết thành sông, vục nước uống mát lòng,
Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,
Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,
Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,
Chết thành hồn, chung một mái, song song.
Hỡi gốc dưa yêu mọc ngoài cồn cát,
Nước ngập gốc đáng lụi, đừng lụi,
Nước ngập rễ đáng bềnh, đừng bềnh.
Đôi ta yêu nhau, tình Lú - Ủa[9] mặn nồng,
Lời đã trao thương không lạc mất;
Như bán trâu ngoài chợ,
Như thu lúa muôn bông.[10]
Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,
Bền chắc như vàng, như đá.
Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,
Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,
Ta yêu nhau tàn đời gió[11], không rung không chuyển,
Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe
[1] Điêu Chính Ngâu chú thích ba câu 6, 7, 8 như sau: “Ngồi trên lá ớt, lá cà gai, lá ngón là những lá độc. Ý nói mong chờ người yêu không thấy”.
[2] Anh yêu em: tức “anh yêu của em”. Trong dân ca Thái và trong Tiễn dặn người yêu, nhân vật người con trai thường tự xưng nưh thế (cũng vậy, người con gái thường tự xưng “Em yêu anh”).
[3] Người Thái đen có tục hoả táng (thiếu xác). Muốn xác cháy đượm, vong hồn được siêu thoát theo quan niệm xưa của họ, cần có hơi hương của người thân yêu nhất. Cùng với thi hài, người ta đốt theo khăn, áo, vải hoặc vài ba sợi tóc của người thân coi như “thêm dầu” cho giàn hoả. Câu thơ ý nói: Không lấy được nhau coi như suốt đời không còn có ai thân yêu, đành mượn hơi hương da thịt người yêu ngay từ lúc này để mai sau có chết cũng không đến nỗi thành kẻ cô đơn, lửa xác được nhờ hơi ngày ngay mà cháy đượm, vong hồn được siêu thoát.
[4] “Con nhỏ”, “bé xinh”, “còn dòng” (dòng dõi), “còn rồng, con phượng” là cách gọi yêu của chàng trai đối với đứa con riêng của cô gái.
[5] Mùa nước đỏ: mùa nước lũ
[6] Chim tăng ló: một loài chim (tên đặt theo tiếng kêu) lông đẹp, màu xanh, hót vào mùa hạ, tiếng hót cao và buồn.
[7] Từ đây xuống là tâm trạng của chàng trai lại nhà chồng cô gái, khi chứng kiến cảnh người yêu bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi. Bọ: cô gái bị đánh, ngã xuống đất, quần áo lấm bụi và các thứ sâu bọ bò lên.
[8] Lam: đun sôi hoặc nấu chín không dùng siêu (ấm) hay nồi mà dùng gióng tre, gióng nứa tươi.
[9] Câu thơ sử dụng hành ảnh so sánh mượn từ tích truyện cổ chàng Lú – nàng Ủa của dân tộc Kháng (Xá – Tây Bắc): Chàng Lú và nàng Ủa yêu nhau tha thiết từ nhỏ, lớn lên Ủa bị cha mẹ cưỡng gả cho một từ trưởng có thế lực. Cả hai cũng từ vẫn, kiện lên đến trời. Nhưng chính Trời lại là kẻ chủ mưu trong mọi chuyện. Họ bị đày thành hai ngôi sao (sao Khun Lú, sao Nàng Ủa) đứng một góc trời, mãi mãi trong đợi nhau mà không được gần nhau.
[10] Bán trâu ngoài chợ: trâu bán xong không tìm lại được; thu lúa muôn bông: lúa sau khi gặt không còn biết bông nào của ruộng nào.
[11] Tàn đời gió: hết một trận gió (suốt từ lúc gió nổi đến khi gió lặng là một đời gió, một trận gió). Ý câu thơ có thể hiểu là gió thổi mãi đến khi tàn mà tình yêu giữa hai người vẫn không thay đổi.
[12] Người Thái xưa có tục ở rể: trước khi lấy được cô gái làm vợ, chàng trai phải qua hai giai đoạn ở rể - từ 1 đến 3 năm là rể ngoài (đi làm cho nhà vợ và ở như khách); từ 3 đến 7 năm được làm rể trong (sống cùng vợ ở nhà vợ). Sau đó họ về nhà chồng hoặc ra ở riêng.
[13] Đàn môi là thứ nhạc cụ nhỏ làm bằng miếng đồng mỏng, dài như chiếc là tre, ngậm trong miệng rồi dùng tay gảy một đầu cho rung lên hoà cùng hơi thở, tạo nên âm thanh để diễn đạt tình cảm.
Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao) của dân tộc Thái là một truyện thơ nổi tiếng trong kho tàng truyện thơ các dân tộc thiểu số. Với 1846 câu thơ, Tiễn dặn người yêu là lời nhân vật trong cuộc kể lại câu chuyện tình yêu – hôn nhân của vợ chồng mình. Hai người vốn làm bàn với nhau từ thời thơ ấu. Lớn lên, họ yêu nhau. Nhưng khi chàng trai nhờ người làm mối dẫn đến xin cho ở rể thì cha mẹ cô gái gạt phắt. Họ đang lo lắng chưa biết tính sao thì một anh chàng lạ đến xin làm rể. Dẫu kẻ này chuẩn bị lễ vật cẩu thả, ứng xử vừa hèn hạ vừa thiếu lễ độ nhưng cha mẹ cô gái vì tối mắt trước tiền bạc, đã vội bằng long. Chàng đau khổ bỏ nhà ra đi, quyết làm giàu rồi sẽ trở về xin cưới cô gái. Cô gái ở lại kiên tâm chờ đợi người yêu. Hết hạn ở rể[12], người kia xin cưới, Đúng lúc đó, chàng trai trở về và đã giàu có, nhưng giờ cô gái thuộc về kẻ khác mất rồi. Anh đau đớn đi theo tiễn dặn người yêu đã cùng gắn bó từ lâu. Theo lời chàng trai dặn, cô gái cố làm ra vẻ vụng về, khiến nhà chồng chán mà trả cô về nhà cha mẹ. Nhưng cô gái liền bị cha mẹ bán vào cửa nhà quan. Thất vọng quá, cô càng đau khổ, phá phách mạnh hơn: “Giã gạo – quăng chày; Phơi thóc – chửi sàn, mắng cót; Dỡ xôi – quật mâm vỡ” cốt sao được trả về cho gia đình. Nhưng nhà quan đã mua đứt cô rồi, không thể trả lại. Họ đưa cô ra chợ bán, nhưng chẳng ai buồn hỏi đến. Tàn chợ, để khỏi đem cô gái về, họ đổi cô lấy một cuộn lá dong. Người đổi được cô gái ngờ đâu... chính là người yêu thuở trước.

Nhưng chàng giờ đã có nhà cao cửa rộng, làm sao nhận ra cô gái trong thân phận tôi đòi nhếch nhác, tiều tuỵ! Một ngày mưa, không đi nương ngồi bên bếp lửa, cô gái tủi phận đem chiếc đàn môi[13], kỉ vật tình yêu ra thổi, gợi lại lời thề thốt thuở nào. Chàng trai bàng hoàng nhận ra người yêu và quyết sẻ đôi tài sản đưa tiễn người vợ về nhà cha mẹ, rồi họ cưới nhau cho trọn lời ước cũ: “Không lấy được nhau khi mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông; Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già.”

Đoạn trích dưới đây miêu tả rất rõ tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn cô gái về nhà chồng và phải chứng kiến cảnh cố bị chính người chồng đánh đập. Lời tiễn dặn gồm hai đoạn đều là lời của chàng trai. Đoạ (lời) đầu từ câu “Quảy gánh...” đến “...goá bụa về già”; đoạn (lời) thứ hai từ câu “Dậy đi em...” đến hết.

(Tiễn dặn người yêu – Xống chụ xom xao, Mạc Phi dịch, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1977)