Lại bài viếng Vũ thị

Việt Nam / Lớp 9 » Lê Thánh Tông

Nội dung

Nghi ngút đầu ghềnh[1] toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Bóng đèn dầu nhẫn[2] đừng nghe trẻ,
Cung nước[3] chi cho luỵ đến nàng.
Chứng quả[4] đã đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chẳng lọ[5] mấy đàn tràng[6].
Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng[7].
[1] Ghềnh: chỗ nước chảy xiết, đá lởm chớm nằm chắn ngang và nhô cao bên bờ sông hoặc biển.
[2] Nhẫn: đến, cho đến; ở đây ý nói đến sự nghi ngờ của Trương Sinh khi nghe đứa trẻ ngây thơ thuật lại chuyện bóng người xuất hiện mỗi tối khi lên đèn. Chữ này có bản chép là lẫn với nghĩa nhầm lẫn.
[3] Cung nước: thuỷ cung, chỉ sông Hoàng Giang, nơi Vũ Nương tự tử.
[4] Chứng quả: soi xét cho tấm lòng thành thực.
[5] Lọ: cần gì, chẳng lọ: chẳng cần gì.
[6] Đàn tràng: đài cao dựng lên để làm lễ giải oan.
[7] Phũ phàng: tàn nhẫn, không một chút thương cảm.
Bài thơ này là bài thứ hai trong hai bài thơ viếng Vũ Nương trích từ Hồng Đức quốc âm thi tập. Tập thơ Nôm này có khoảng 300 bài, không đề rõ tên tác giả từng bài, riêng hai bài thơ viếng Vũ Nương được ghi rõ là của Lê Thánh Tông. Bài thơ này vua Lê Thánh Tông cho khắc vào bia đá trước miếu bà Trương (vợ Trương sinh, tự tử ở dòng Hoàng Giang vì bị chồng nghi ngoại tình).

Nguồn: Hồng Đức quốc âm thi tập, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1962