Lý Thường Kiệt 李常傑

Việt Nam / Lớp 7

Chưa có đánh giá nào

Tác phẩm

Tác giả

Lý Thường Kiệt 李常傑 (1019-1105) tên thật là Ngô Tuấn, Thường Kiệt là tên tự, sau được ban quốc tính họ Lý, bèn lấy tên tự làm tên, thành tên Lý Thường Kiệt, khi chết có tên thuỵ là Quảng Châu. Theo các sử sách cũ thì ông quê ở phường Thái Hoà, thành Thăng Long, nhưng theo bài văn khắc trên quả chuông chùa BắcBiên, mới phát hiện ở gần Hà Nội và cuốn Tây Hồ chí thì ông người làng An Xá cũ, thuộc huyện Quảng Đức, ở khu vực phía Nam hồ Tây trong thành Thăng Long, còn Thái Hoà chỉ là nơi ở sau khi đã giữ chức vụ trọng yếu trong triều. Sau vì việc mở rộng kinh thành nên làng An Xá dời ra bãi Cơ Xá, tên cũ của xã Phúc Xá (và trong đó có thôn Bắc Biên ngày nay). Ông sinh năm 1019 và mất tháng Sáu năm Ất dậu (từ 13 tháng Bảy đến 11 tháng Tám năm 1105).

Gia đình ông nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng. Khi còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu, là thái giám theo hầu Lý Thái Tông, thăng dần đến chức Nội thị sảnh đô tri. Lý Thánh Tông phong chức Thái bảo, trao cho tiết việt để đi thăm hỏi lại dân ở Thanh Hoá, Nghệ An. Tháng 2 năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông thân đi đánh Chiêm Thành, ông làm tướng tiên phong, bắt được vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman 4).

Năm 1075, Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thuỷ chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt. Vua biết tin, sai ông và Tông Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân thuỷ, quân bộ đều tiến. Ông đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Lý Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là thành phố Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây) phá tan được, chém Trương Thủ Tiết tại trận. Tri Ung châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bị hạ. Tô Giám tự đốt chết. Người trong thành không chịu hàng, giết hết hơn 58.000 người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 100.000. Lý Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về. Năm 1076, mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1.000 người.

Ông còn 2 lần trực tiếp đi đánh Chiêm Thành vào các năm 1075 và 1104. Năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma Na (Jaya Indravarman 2, 1086-1113) đem quân vào cướp, lấy lại 3 châu Địa Lý v.v... mà vua Chế Củ đã dâng. Đến đây, Lý Thường Kiệt đi đánh, phá được, Chế Ma Na lại dâng nộp đất ấy. Vì có công, ông được ban quốc tính (mang họ vua) và phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau lại có công nữa, được phong làm Thái uý.

Năm 1105 mùa hạ, tháng 6, Thái uý Lý Thường Kiệt chết, tặng chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái uý bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp 1 vạn hộ, cho người em là Lý Thường Hiến được kế phong tước hầu.

Tác phẩm hiện còn một bài thơ thất tuyệt, một bài Lộ bố văn, và một lời cầu xin vua cho cầm quân đi đánh Lý Giác.