Lý Công Uẩn Lý Thái Tổ

Việt Nam / Lớp 8

Tác phẩm

Tác giả

Lý Thái Tổ 李太祖 (974-1028), tên huý là Lý Công Uẩn 李公蘊, là vị vua đầu tiên (1010-1028) của triều đại nhà Lý trong Lịch sử Việt Nam. Ông người làng Cổ Pháp, nay thuộc về huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay ở làng Đình Bảng có lăng và đền thờ nhà Lý).

Tục truyền rằng Công Uẩn không có cha, mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiêu Sơn (làng Tiêu Sơn, phủ Từ Sơn), nằm mộng thấy đi lại với thần nhân rồi về có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi đem cho người sư ở chùa Cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi, mới đặt tên là Lý Công Uẩn.

Phần chú của Việt Sử Lược ghi: Theo sách Mộng Kê Bút Đàm của Thẩm Hoạt đời Tống thì Lý Công Uẩn gốc là người Mân (Phúc Kiến). Tiến sĩ Từ Bá Tường, người Quảng Tây, nhà Tống trong thư gửi cho Công Uẩn cũng nói: “Tiên thế đại vương vốn là người đất Mân. Tôi nghe nói công khanh ở Giao Chỉ cũng nhiều người đất Mân”.

Công Uẩn lớn lên vào Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Năm 1010, vua Lê Long Đĩnh mất, thì Lý Công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm, ở trong triều có bọn Đào Cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh mưu tôn Công Uẩn lên làm vua. Khi Lê Ngoạ Triều (1006-1009) chết, ông lên làm vua (năm 1009), tức Lý Thái Tổ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, và quyết định dời đô ra thành Đại La. Nhân sự kiện có ý nghĩa đó, ông để lại được cho đời sau một áng văn, đó là bài Thiên đô chiếu.

Ngoài ra, một số sách có nhắc đến bài thơ thất tuyệt Tức sự và quyển Hoàng triều ngọc diệp. Nhưng căn cứ vào tài liệu lịch sử, Hoàng triều ngọc diệp là tác phẩm do quần thần biên soạn theo lệnh của Lý Thái Tổ, hiện đã mất, còn bài Tức sự chỉ là một bài thơ mượn của Trung Quốc.