Jean de La Fontaine La Phông-ten

Pháp / Lớp 7 / Lớp 9

Tác giả

Jean de La Fontaine (1621-1695) là một nhà thơ ngụ ngôn và nhà thơ cổ điển nổi tiếng của Pháp, những bài thơ của ông được biết đến rất rộng rãi vào thế kỷ XVII. Theo Gustave Flaubert, ông là nhà thơ Pháp duy nhất hiểu và làm chủ những kết cấu tinh vi trong của ngôn ngữ Pháp trước Victor Hugo.

La Fontaine sinh ngày 8 tháng 7 năm 1621 tại Château-Thierry trong một gia đình tiểu quý tộc, là con một người quản lý rừng. Mẹ mất sớm, ông thừa hưởng sự giáo dục tự do và sâu rộng của cha, từ bé ông đã sống giữa thiên nhiên, yêu cảnh rừng núi và thú rừng hoang dã.

Có rất ít thông tin về những năm tháng học tập của La Fontaine. Người ta chỉ biết rằng ông đã học tại trường Cao đẳng ở Château-Thierry cho đến năm thứ ba, nơi ông ta đã học tiếng La tinh. Năm 1641, ông tham gia vào tu hội Oratoire, nhưng đến năm 1642 ông đã ra khỏi hội tôn giáo này. Ông tiếp tục học chuyên về luật và tham gia thường xuyên vào hội những nhà thơ trẻ Kỵ sĩ bàn tròn, nơi mà ông đã gặp Pellisson, François Charpentier, Tallemant des Réaux. Năm 1649 ông đã lấy được bằng luật sư tại quốc hộ Paris.

Sau thời niên thiếu êm đềm, La Fontaine lại nối nghiệp cha làm quản lý rừng, một công việc nhàn hạ khiến ông có nhiều thời giờ để la cà các khách thính văn chương và đọc các tác giả hiện đại lẫn cổ điển, và ông đã coi các tác giả cổ điển là những khuôn mẫu để viết những bài thơ ngụ ngôn bất hủ của ông.

Năm 1664, La Fontaine chia sẻ thời gian làm việc của mình giữa Paris và Château-Thierry. Vào thời kỳ này, La Fontaine thực hiện những bước đầu tiên vào văn học bằng một câu chuyện hoang đường Xử bắn Arioste. Việc này đã tạo nên một cuộc tranh luận văn học, cuộc tranh luận về sự tự do có thể làm phát triển lối kể chuyện theo kiểu hoang đường.

Vào năm 1665 La Fontaine trở nên nổi tiếng khi cho ra đời hai tập truyện ngắn, những truyện ngắn rất dễ thương và rất phóng túng bằng một thể thơ tự do. Năm 1668 ông cho ra đời những bài thơ ngụ ngôn răn đời đầu tiên rất được người đương thời yêu thích đón nhận.

Năm 1669, La Fontaine đã đóng góp thêm một thể loại mới bằng việc cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Tình yêu của Psyché và chàng trai trẻ, một sự hoà trộn giữa văn xuôi và thơ, một câu chuyện huyền thoại.

Năm 1672 sau cái chết của công tước Orléans, La Fontaine gặp khó khăn về tài chính và đã ở nhờ tại nhà của Marguerite de La Sablière từ năm 1673. Nhờ có được sự bảo trợ, che chở của những người bạn giàu có, quyền thế như bà de La Sablière và hai vợ chồng ông d’Harvart, Le Fontaine cho ra đời được tất cả là ba tuyển tập gồm 12 tập thơ ngụ ngôn vào những năm 1668, 1678 và 1694. Các thơ ngụ ngôn này có nhiều nguồn gốc khác nhau vì La Fontaine chịu ảnh hưởng các tác giả cổ Hy-La như Esope và Phèdre, mà ông đã bắt chước một cách thật độc đáo.

La Fontaine thành công rất lớn, nhưng cũng có những thành công gây xì-căng-đan, như các truyện ngắn của ông đã được viết một cách cực kỳ phóng đãng, nên bị cấm lưu hành nhưng vẫn được bán rất chạy một cách lén lút.

La Fontaine được coi là một tác giả viết nhiều thể văn khác nhau, kể cả văn chương tôn giáo, nhưng người đời sau chỉ biết đến ông qua những thơ ngụ ngôn và những truyện ngắn. Ông không được lòng vua Louis XIV và tể tướng Colbert vì quá thân thiết với chỉ huy cảnh sát Fouquet, kẻ chống đối họ. Song ông đã khôn khéo lấy lại được phần nào cảm tình của nhà vua và lại được ra vào nơi cung đình. Năm 1674, ông được vào khách thính của bà de Montespan, nơi qua lại của đủ loại văn nhân thi sĩ đương thời. Năm 1683, ông được bầu vào Viện hàn lâm, mặc dù trước đó Louis XIV và Colbert đã bác bỏ không cho vào. Về cuối đời ông quay sang viết lách về các đề tài tôn giáo; năm 1692, ông ngã bệnh nặng và hứa sẽ không bao giờ viết những truyện phóng đãng nữa, và dành những ngày giờ còn lại để viết những sách kính Chúa yêu người.

Sau khi bà de La Sablière qua đời năm 1693, La Fontaine dọn về sinh sống với gia đình d’Harvart. Năm 1694 ông cho ấn hành tập thơ ngụ ngôn cuối cùng và qua đời tại gia đình d’Harvart vào mùa xuân năm 1695.

Chính cuộc sống chan hoà với thiên nhiên, gần gũi với người dân thường đã khiến cho thơ văn của ông giàu tính dân gian, giàu chất thơ của cuộc sống và sự tinh tế, sinh động khi ông miêu tả thiên nhiên hay viết về các loài thú, loài cây, cũng như thể hiện lòng nhân ái bao la của ông đối với người nghèo. Ông có kiến thức uyên bác về cả thiên nhiên và xã hội, giao thiệp rộng rãi với giới trí thức tự do, sống phóng túng, không thích gần gũi cung đình như nhiều nhà văn cổ điển khác.

La Fontaine có nhiều bài thơ nổi tiếng: Ve và kiến, Quạ và cáo, Sói và cừu non, Thần chết và lão tiều phu, Con cáo và giàn nho, Gà trống và cáo, Ông già và các con, Gà đẻ trứng vàng, Thỏ và rùa, Thả mồi bắt bóng, Đám ma sư tử, Hội đồng chuột... Chúng đã trở thành điển hình cho các tính cách và các tình huống của cuộc sống.

Xã hội loài vật trong ngụ ngôn tượng trưng cho xã hội Pháp thời đại La Fontaine sống, với các cung bậc, tầng lớp, những mâu thuẫn bộc lộ bản chất của xã hội đó: từ những người thấp cổ bé họng đến những vị quyền cao chức trọng.

La Fontaine là một trong những nhà văn và thi nhân độc đáo của thế kỷ XVII. Ông mượn những đề tài cổ điển, nhưng đã viết lại bằng một cách khác rất đặc sắc ít ai bì kịp. Ông dùng hình ảnh loài vật giỏi như một nhà thiên nhiên học; qua hình ảnh loài vật, ông đã biến thơ ngụ ngôn của ông thành một thứ "hài kịch có cả trăm màn khác nhau", qua đó mô tả tất cả mọi tình cảm, mọi đam mê, mọi hoàn cảnh và mọi ngành nghề của con người.

La Fontaine trở thành nhà văn quen thuộc của mọi lứa tuổi, mọi thời đại, và ngày nay thơ ông vẫn giữ nguyên giá trị thời sự sâu sắc.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, kể từ năm 1907, bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine Con ve và con kiến lần đầu tiên được Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt đăng trên Đại Nam đăng cổ tùng báo, thơ ngụ ngôn La Fontaine được phổ biến sâu rộng trong bạn đọc Việt Nam, và sau đó được đưa vào chương trình học tập ở nhà trường phổ thông, góp phần vào việc giáo dục nhân cách cho các thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, việc giới thiệu và phổ biến các bài thơ ngụ ngôn của nhà thơ cổ điển Pháp nổi tiếng này vẫn còn chưa thành hệ thống và còn nhiều hạn chế.

Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Ngụ ngôn chọn lọc La Fontaine (nhiều người dịch, NXB Văn học, 1985, 1993)
- Ngụ ngôn La Fontaine (Nguyễn Văn Vĩnh dịch, NXB Văn học, 1994, 1999, 2001, 2004)
- Ngụ ngôn La Fontaine - 2 tập (Lê Trọng Bổng dịch, NXB Thế giới, 1997, 2003)
- Truyện ngụ ngôn La Phôngten (Nguyễn Văn Qua dịch, NXB Kim Đồng 1997, NXB Văn hoá thông tin 2004, NXB Lao động 2007)
- Thơ ngụ ngôn La Fontaine - 2 tập (Nguyễn Trinh Vực dịch, NXB Giáo dục, 1999)
- Ngụ ngôn La Fontaine (nhiều người dịch, NXB Mỹ thuật, 2008)