Hữu Thỉnh

Việt Nam / Lớp 9

Tác phẩm

Tác giả

Hữu Thỉnh (sinh 15/2/1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, bút danh Vũ Hữu, là một nhà thơ Việt Nam. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1976, Hữu Thỉnh hiện là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (3 nhiệm kỳ liên tiếp) đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khoá X). Ông sinh ngày 15 tháng 2 năm 1942 trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học nhưng ông đã trải qua tuổi thơ ấu không dễ dàng: ở 6 năm với bác ruột, 10 tuổi phải đi phu, làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp: Vân Tập, chợ Vàng, Thứa, Thanh Vân.

Từ sau hoà bình lập lại, vào năm 1954, Ông mới được đến trường. Năm 1963 ông tốt nghiệp phổ thông và nhập ngũ, trở thành một người lính thuộc Trung đoàn 202. Từ đây Hữu Thỉnh đã tham gia một số hoạt động như chăn bò, học lái xe tăng, làm cán bộ tiểu đội, dạy bổ túc văn hoá, viết báo và làm cán bộ tuyên huấn. Nhiều năm tham gia chiến đấu tại miền Bắc, đã trải qua hầu khắp các chiến trường máu lửa như Đường 9.

Sau 1975, Hữu Thỉnh học trường Viết văn Nguyễn Du và là một trong số những học sinh khoá đầu tiên của trường. Từ 1982, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cán bộ biên tập, Trưởng ban Thơ, Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1990 đến nay, Hữu Thỉnh chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ, tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn các khoá 3, 4, 5, Uỷ viên Ban Thư ký khoá 3.

Hữu Thỉnh đã lần lượt đảm nhiệm chức trách Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam (nay là chức Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam), Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (3 lần), đồng thời kiêm nhiệm Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Khối Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Bí thư Đảng uỷ Đảng bộ Cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khoá X). Từ năm 2000, Hữu Thỉnh là Tổng Thứ ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong thơ Hữu Thỉnh hiện lên ba nhân vật trữ tình chủ chốt:
- Người lính cách mạng mà tình yêu nước rất cụ thể trong tình yêu thương rất mực quê hương, đồng đất. Và trong những người thương yêu nhất nổi bật lên, luôn sâu sắc day dứt khôn cùng là hình ảnh người mẹ. Trong những bài thơ xúc động nhất về chiến tranh hình ảnh mẹ luôn trở đi trở lại như một điểm thức sáng, đọng lại nơi những câu thơ hay nhất. Hình ảnh người vợ, người yêu trong trái tim thổn thức người lính gắn liền với những đợi chờ, chịu đựng, hy sinh cả một thời xuân sắc. Trong trái tim nhân vật trữ tình người lính còn nhói lên da diết một tình yêu đồng đội, không chỉ sẻ chia đùm bọc mà còn cả một nghĩa ân xương máu, một tình cảm đặc biệt sâu đằm chỉ có được trong sống chết chiến trường. Nét khác biệt, nổi trội hơn so với nhân vật trữ tình người lính thời kỳ thơ 1945- 1954 là độ sâu đằm văn hoá. Ở chiều sâu tình yêu dành cho những đối tượng thân gần nhất vừa kể trên, người lính trong thơ Hữu Thỉnh luôn suy nghĩ, phát hiện và tổng kết thành những chân lý đắt giá, những bài học đắp bồi cho nhân cách, cho bản lĩnh sống. Ta có thể tìm hiểu những khía cạnh trên trong một số bài thơ ngắn được viết trước và sau 30- 4- 1975, đặc biệt trong trường ca Đường tới thành phốTrường ca biển.
- Người bảo toàn và đấu tranh phát triển nhân cách. Rải rác qua nhiều bài, nhưng đậm đặc nhất ở tập Thư mùa đông đã nổi lên dáng dấp ưu trầm của nhân vật này. Khi môi trường xã hội có những biến động, cùng với vận động đi lên, đổi mới về kinh tế, mở rộng tầm nhìn, cởi mở lối sống... những rạn vỡ, suy đồi nhân cách cũng được dịp bùng phát. Nhân vật trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh âu lo, khá nhiều phen trầm xuống thở dài. Không ít lần con người ấy bật lên những câu hỏi bức thiết nhất về Con Người, anh cảnh báo về nguy cơ “mất mùa nhân nghĩa”, anh nhìn thẳng, không ảo tưởng về con đường đi tới đầy khuất khúc, anh giơ lên thật cao cho mọi người cùng thấy rõ những tỷ lệ đáng lo âu trên thước đo tình bạn, tình người... Nhân vật trữ tình này của Hữu Thỉnh cứ ngày càng từng trải qua bao nhiêu xung sát, nhận chịu những vết thương nặng nề trong trái tim. Nhưng anh kiên quyết bảo toàn và đấu tranh không lùi bước cho sự nâng cao nhân cách.
- Nhà thơ của một thế hệ. Xuyên qua tất cả các bài thơ, các cảnh ngộ của đất nước, thế giới, con người, nhân vật trữ tình này luôn suy nghĩ về ý nghĩa, trách nhiệm vô cùng thiêng liêng, hệ trọng của thơ, của nhà thơ thuộc thế hệ anh. Không phải bằng thuyết lý đại ngôn, những suy nghĩ của nhân vật trữ tình nhà thơ ở đây được lọc chắt ra từ những mất còn cụ thể quyết liệt, từ một cuộc chiến tranh cụ thể không ngừng, dù còn hay đã tắt tiếng súng. Nhằm vinh danh thơ trong sứ mạng tối thượng bảo vệ cuộc sống, bảo vệ con người.

Tách ra như trên để tìm hiểu chi tiết hoá, thực ra ba nhân vật trữ tình ấy trộn hoà, xoắn bện, hiển hiện chỉ trong duy nhất một con người - nhà thơ, người lính, người công dân Việt Nam Hữu Thỉnh.

Khi dạt dào nồng nhiệt, khi rủ rỉ dịu êm, lúc trầm xuống nghẹn ngào, lúc vút đanh sắc nhọn... những cung bậc khác nhau trong thơ Hữu Thỉnh vẫn tựa trên một âm giai bao trùm là chất giọng đằm thắm. Trong nền giọng đằm thắm ấy, qua thời gian đầy bão động một phần tư thế kỷ có luyện vào chất nén trầm, nhưng thật đáng quý, vẫn giữ được, vẫn nhô trào lên những con sóng thảng thốt. Thảng thốt, luôn thảng thốt, luôn luôn phát giác trước thế giới, trong con người mình như thể niềm kinh ngạc lần đầu. Đó là phẩm chất thi sĩ,phẩm chất một nghệ, sĩ luôn luôn say mê đời sống.
Trừ một số dôi dài chưa thật kết đọng ở buổi đầu sáng tác, sự trải dàn đôi khi vẫn trở lại quá đà - vi phạm đến tính chỉnh thể của một sản phẩm nghệ thuật thời hiện đại, ngôn ngữ thơ Hữu Thỉnh - ở những bài hay và xuất sắc - đã đạt tới hiệu quả nhuần nhuỵ cổ điển. Những câu thơ, áng thơ ấy vào ngọt thưởng thức khe khắt của bạn đọc. Chất liệu văn hoá dân tộc dân gian ngàn năm đã thấm dưỡng linh hồn những câu thơ, chữ thơ. Những mảng dữ dội của đời sống thật, sự khoẻ sáng của thể trọng tâm hồn con người tham gia trực tiếp vào đời sống ấy đã bồi đắp nên chất hiện đại cho những dòng thơ mềm mại. Giữ vững và làm tươi mới hơn câu thơ Việt trong cuộc vật mình đổi mới ngôn ngữ thơ đang dần dà mà quyết liệt diễn ra trong toàn bộ nền thơ ta, đó là đóng góp đáng tôn trọng của thế hệ nhà thơ chống Mỹ mà Hữu Thỉnh là một trong số đại biểu xứng đáng nhất.