Bình luận bài thơ “Đây mùa thu tới” - Nhà phê bình Chu Văn Sơn

Việt Nam » Xuân Diệu » Đây mùa thu tới

65.00
Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời. Câu nói ngỡ như một trò chơi chữ này của người xưa hoá ra đã thể hiện được mối tương thông kì lạ giữa mùa thu và thơ ca. Có phải vì thế mà trong bốn mùa, thơ ca thiên vị với mùa thu hơn cả và mùa thu cũng ban tặng cho thi nhân nhiều thi tứ hơn? Mùa thu gắn bó với thi ca đến nỗi chỉ cần xem xét thơ viết về mùa thu qua các thời đại cũng có thể thấy được phần nào các thời đại thơ ca. Kể tên những áng thơ thu đẹp nhất trong thơ Việt, người ta phải nhắc đến những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm , Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Lưu Trọng Lư , Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu... và không thể không nhắc đến Xuân Diệu. Thoạt nhìn, dễ nghĩ Xuân Diệu chỉ là thi sĩ của mùa xuân. Thậm chí, đọc bài Xuân không mùa , chúng ta có thể quyết rằng: Xuân không mùa - ấy là Xuân Diệu! Thực thì, Xuân Diệu còn là thi sĩ của mùa thu. Không chỉ vì ông nhiều bài thơ thu đặc sắc. Điều cốt yếu là, với thi sĩ, Xuân hay Thu cũng đều là mùa Tình.

Nói thế, không có nghĩa là Xuân Diệu không dành một quan niệm riêng cho cái mùa của những bông cúc vàng ẩn dật này. Trong cảm quan của thi sĩ, thiên nhiên cũng như một giai nhân đầy nhan sắc. Thời kì rực rỡ hoàng kim là thuộc về mùa xuân. Qua hạ vào thu là bước vào kì tàn phai. Một sự tàn phai không thể tránh khỏi. Mùa thu là mùa phôi pha. Nhưng đối với thi sĩ này, thì ngay trong độ phai tàn, giai nhân ấy vẫn cứ kiêu sa, đài các, lộng lẫy. Đây mùa thu tới có lẽ là thi phẩm được nảy sinh trực tiếp từ cảm quan ấy.

Cũng không riêng chuyện cảm quan. Đây mùa thu tới còn thuộc về một cảm hứng rất Xuân Diệu: cảm hứng nghiêng về thời gian. Như cái tên của nó, Đây mùa thu tới đã chọn một thời điểm riêng để đến với mùa thu. ấy là thời điểm giao mùa. Chỉ cần làm một so sánh nhỏ với chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến sẽ thấy rõ hơn cảm hứng này của Xuân Diệu. Trong chùm thơ nổi tiếng của mình, Tam nguyên Yên Đổ viết về một mùa thu đã hoàn toàn định hình, đã ngự trị từ lâu ở làng cảnh Việt Nam. Thi nhân chỉ đi tìm kiếm những gì là đặc trưng nhất để vẽ lên bức tranh thu. Nghệ thuật của Nguyễn Khuyến có phần nghiêng về không gian, nghiêng về cái tĩnh. Còn thi sĩ Xuân Diệu thì chờ cái lúc mùa thu từ phương xa về, đáp xuống xứ sở này, dần dần từng bước xâm chiếm toàn bộ thiên nhiên, cây cỏ và con người. Ngòi bút Xuân Diệu bám từng bước đi của thời gian, nắm bắt cái dáng vẻ, cái trạng thái sự vật đang ngả dần sang thu, đất trời cứ thu dần thu dần để thành thu hẳn. Nghệ thuật Xuân Diệu, rõ ràng, nghiêng về thời gian, nghiêng về cái động.

Trong cái thế giới riêng của bài thơ, cảnh sắc đầu tiên mà mùa thu xâm chiếm là rặng liễu - nó lập tức biến thành liễu thu: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang / Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Hành trình xâm lấn của mùa thu, từ đó, dường như cứ lan dần, loang dần ra những khu vườn, những rặng núi, những dòng sông, những tầng trời... và cuối cùng, nó xâm chiếm lòng người. Khi đã tràn ngập những tâm hồn thiếu nữ, ấy là lúc mùa thu đã đi trọn một con đường của nó. Và, mùa thu tới, cảnh sắc cũng theo đó phôi pha. Sắc lá rũa phai đi, cành nhánh gầy guộc đi, trăng ngẩn ngơ đi, dáng núi nhạt nhoà hơn, sông vắng vẻ hơn, khí trời lạnh lẽo hơn, lòng người u sầu hơn... Khi những thiếu nữ cũng “buồn không nói, tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”, ấy là lúc mùa thu đã làm xong phần việc của nó: chuyển toàn bộ xứ sở này thành thu. Chẳng phải mùa thu cũng là mùa phai đó ư? Như thế, hành trình của mùa thu cũng chính là trình tự cấu tứ của Đây mùa thu tới.

*

Ta vừa thấy dấu ấn Xuân Diệu in đậm lên tổng thể tứ thơ. Ta còn thấy dấu ấn ấy in cả lên từng chi tiết nhỏ nhất của bài thơ nữa.

Đúng là mỗi thi sĩ thường tìm cho mình những tín hiệu riêng để nhận biết mùa thu. Người xưa thấy thu về trong một chiếc lá ngô đồng rụng. Nguyễn Du thấy thu về trong sắc đỏ lá phong. Nguyễn Khuyến nhận ra thu trong dáng cần trúc lơ phơ. Lưu Trọng Lư nghe thấy tiếng thu trong tiếng lá kêu xào xạc. Nguyễn Đình Thi nhận ra thu trong làn hương cốm mới. Trần Đăng Khoa biết thu về khi hoa cau rụng vào những thoáng heo may... Còn Xuân Diệu? ấy là dáng liễu. Khi rặng liễu bắt đầu mang dáng đứng chịu tang, thi sĩ biết rằng mùa thu đã hiện diện ở xứ sở này:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - mùa thu tới:
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Chúng ta biết Thơ Mới bắt đầu mới trong cảm xúc. Cảm xúc mới nảy nở, bùng nổ, nó phải kiếm tìm thi pháp mới. Ở Xuân Diệu - “mới nhất trong các nhà Thơ mới” - cảm xúc và thi pháp đã giúp nhà thơ làm mới những thi liệu cũ. Nét dễ thấy ở đây là một lối liên tưởng mới. Chính lối liên tưởng này đã tạo ra một vẻ đẹp mới cho đối tượng cũ. Ai cũng biết, liễu là hình ảnh đã quá quen thuộc trong thơ cổ điển. Trong Truyện Kiều thật nhiều những dáng liễu đẹp:
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Trong các câu thơ trên của Nguyễn Du, liễu có phần nghiêng về vẻ đẹp khách quan, liễu hiện lên chủ yếu bằng vẻ đẹp của bản thân liễu. Nhà Thơ Mới Xuân Diệu không chịu làm thế. Ông đã “áp đặt” vào liễu một vẻ đẹp chủ quan, liễu mang trong nó vẻ đẹp người. Dáng liễu là dáng người. Từng dòng lá liễu rủ xuống mang trong nó những dòng tóc đang buông xuống và trăm nghìn giọt lệ đang tuôn xuống. Tâm trạng liễu là tâm trạng người. Cảm nhận liễu, người ta cứ thấy phảng phất trong liễu bóng dáng những giai nhân đài các, kiêu sa mà âu sầu buồn bã. Trước Xuân Diệu, xem ra, chưa có một dáng liễu nào giống thế. Trước tín hiệu báo mùa ấy, thi sĩ đã kêu lên: “Đây mùa thu tới mùa thu tới”. Câu thứ ba đúng là một tiếng reo. Nhưng không phải reo vui như có người tưởng. Làm sao có thể reo vui khi cảnh buồn đến thế. Đó chỉ có thể là tiếng reo ngỡ ngàng. Vì sững sờ nhận ra thế là mùa thu đã về, ngay nhỡn tiền đây thôi. Cũng còn vì: dẫu là mùa tàn phai, mà thu vẫn cứ yêu kiều thế - Với áo mơ phai dệt lá vàng. Trong cảm nhận của Xuân Diệu, mùa thu vốn vô hình đã trở nên hữu hình. Và, dường như mùa thu cũng về trong bóng hình, phong thái của của một giai nhân. Ta không nhìn thấy rõ khuôn mặt nàng, nhưng ta nhận ra nàng trong cái vũ điệu bay đến và trong sắc áo hư ảo, chừng như dệt bằng lá vàng và nắng vàng của nàng:
Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Nó gợi ta nhớ đến hình ảnh trăng trong bài thơ Lời kỹ nữ , cũng dáng điệu ấy, phong thái ấy:
... Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.
Cảm xúc thẩm mỹ mới về mùa thu của Xuân Diệu, rõ ràng, đã gắn liền với một khía cạnh thi pháp mới, đó là một trường liên tưởng tân kì: vẻ đẹp tạo vật thiên nhiên được qui chiếu về vẻ đẹp của những giai nhân.

*

Chỉ bốn câu đầu đã là bức tranh thu trọn vẹn và mới mẻ. Không chỉ thế, lắng nghe kĩ còn thấy trong bức tranh kia đang ngân lên một điệu nhạc nào nữa. Đúng thế, Xuân Diệu đã triệt để khai thác nhạc tính của ngôn ngữ để tạo ra chất thơ và chuyển tải cảm xúc của mình. Chúng ta đều biết chủ trương của thi phái tượng trưng là xem nhạc tính như yếu tố huyền diệu bậc nhất của ngôn từ. Thơ thoát ra từ sự giao động bất tuyệt giữa âm thanh và ý nghĩa của chuỗi ngữ ngôn. Tinh thần này thấm rất sâu vào Xuân Diệu. Có thể nói trong suốt thi nghiệp của mình, Xuân Diệu đã tỏ ra là thi sĩ nắm được cái hồn của tiếng Việt. Những sáng tạo của Xuân Diệu về âm điệu trong khổ thơ này có thể xem là một minh chứng. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy ba chuỗi vần được phối hiệp nhuần nhuyễn với nhau trong khổ thơ. Vần “iu” (cận thể là “yêu”) với các từ: liễu, đìu, hiu, chịu...; vần “an” (cận thể là “ang”) với: tang, ngàn, hàng, vàng...; vần “uôn” (cận thể là”uông”) với: buồn, buông, xuống... Đáng nói là chúng vừa kế tiếp vừa đan xen, gợi được thế nương theo nhau, nối đuổi nhau, vừa díu dan ràng níu, vừa trì kéo lẫn nhau, giúp Xuân Diệu tạo hình được những dòng lá liễu đang rủ xuống và cả những thân liễu như đang muốn trùng xuống, trĩu xuống tựa hồ những dáng liễu buồn sầu không mang nổi tâm trạng của chính mình. Cả nhịp điệu ở câu thứ ba cũng phụ hoạ vào lối tạo hình ấy. Câu thất ngôn thường đi nhịp 2/2/3. ở đây Xuân Diệu ngắt thành 4/3:
Đây mùa thu tới / mùa thu tới
Cơ hồ nhịp điệu đã mô phỏng được cả ngữ điệu của một tiếng kêu ngỡ ngàng, cả vũ điệu luân chuyển nào đó rất vô hình của mùa thu nữa. (Trong khổ tiếp theo, ta còn được thấy việc khai thác nhạc tính như thế trong chuỗi phụ âm “r” khi Xuân Diệu viết “Những luồng run rẩy rung rinh lá”). Dùng âm nhạc của ngôn ngữ để tạo hình như vậy, Xuân Diệu đã tỏ rõ thi pháp tượng trưng ngấm vào ngòi bút của mình nhuần nhị như thế nào.

*

Tuy nhiên, nói đến Xuân Diệu là còn phải nói đến một hồn thơ nhạy cảm với những biến thái tinh vi mơ hồ trong hồn người và hồn tạo vật. Mùa thu chạm vào rặng liễu và làm liễu biến đổi. Mùa thu đi vào vườn, cảnh vật trong vườn cũng từng bước biến suy. Trong cái vẻ biến đổi quen thuộc, thi nhân đã nhận ra những điều thật khó thấy:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Tôi không muốn nói đến vẻ tân kì, vẻ Tây trong việc dùng các chữ “hơn một” và “rụng cành”. Điều muốn nói và đáng nói hơn chính là chữ “rũa[1]”. Có người đã hiểu đây là chữ “rữa”. Không phải! Xuân Diệu đâu có diễn tả sự phân huỷ của xác lá. Điều thi nhân muốn diễn tả tinh vi và thanh nhã hơn nhiều: sự phôi pha trên màu lá. Cũng nói về sự chuyển mùa bằng việc chuyển màu trên thảo mộc cỏ cây, Nguyễn Du từng có câu:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Cùng thời với Xuân Diệu, Nguyễn Bính cũng viết:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Sau này, Tố Hữu cũng có những câu tinh tế:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Gần nhau đến thế mà mỗi chữ vẫn mang một sắc thái riêng, một vẻ thần tình riêng. “Nhuốm” mới bắt đầu, đang diễn ra, chưa hoàn kết; còn “nhuộm” hình như đã kết thúc, hoàn tất. Một chữ xem chừng động hơn, nói được nỗi buồn lan ra từ cuộc chia li Kiều - Thúc vương phủ lên rừng phong, khiến màu cây biến sắc. Chữ “nhuộm” có lẽ tĩnh hơn (dĩ nhiên là trong văn cảnh này), nói cái thời gian của kẻ tương tư dài đằng đẵng đến nỗi đủ làm cây héo úa, làm người héo hon. Chữ “đổ” lại nhấn mạnh sắc thái mau lẹ. Những ngày cuối của mùa xuân, phách hãy còn xanh. Thế mà khi những tiếng ve đầu tiên của mùa hè cất lên, rừng phách đã nhất loạt trổ hoa vàng. Ngỡ có ai đem đổ cả một bình màu lớn khiến rừng phách kia lênh láng sắc vàng. Và cũng trong những tiếng ve ấy, hoa phách rụng như trút vàng xuống đất, như những cơn mưa hoa, cơn mưa vàng vậy.

Còn câu thơ và chữ nghĩa Xuân Diệu thì sao? Thi sĩ này không lặp lại sự biến màu trên toàn cục, mà có phần nghiêng về sự biến màu trên mỗi chiếc lá. Thậm chí sự phôi pha trong từng hạt diệp lục. Chữ “rũa” là thế. Ta không chỉ thấy mùa thu về trên những vòm là, những dòng sông, những chân trời, những tầng trời. Mà còn thấy thu đến trong từng hạt diệp lục đang phai màu. Nếu màu xanh thuộc về mùa hạ, thì màu đỏ là mùa thu. Trên từng chiếc lá, thi sĩ thấy thu về và đương tranh chấp với mùa hạ. Màu đỏ lấn tới đâu làm màu xanh phôi pha tới đó. Mùa thu lan tới đâu, mùa hạ lùi bước tới đó. “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”, câu thơ như đã thu nhỏ cả cuộc đổi mùa lớn lao vào một góc vườn, vào từng chiếc lá đang phai.

Cũng ở trong vườn, trước một hình ảnh ngỡ quá quen thuộc này, vẫn có những cảm nhận thật mới lạ:
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
Có người đã hiểu sự cách tân của Xuân Diệu ở đây là: thay vì gọi “luồng gió” thi sĩ đã gọi là “luồng run rẩy” (!) Nếu thi sĩ có làm thế thật, thì cũng chẳng mới được là bao. Nhưng, cái Xuân Diệu định nói ở đây chính là luồng run rẩy. Vâng, chính là thoáng rùng mình của những thân cành mảnh mai gầy guộc trước làn hơi giá của mùa thu đang lan trong không trung một cách vô hình. Cảm nghe được cả những sóng âm mang hơi thu mơ hồ ấy, thì những nhánh cây mùa thu kia thật nhạy cảm biết nhường nào. Luồng rung động toàn thân ấy gợi ta nhớ đến cái thoáng “Linh lung bóng sáng bỗng rung mình” hay cái trạng thái “Tất cả tôi run rẩy tựa dây đàn”, “Khắp xương nhánh chuyển một luồng tê tái”... rất đặc trưng cho thi cảm Xuân Diệu. Như một người quay phim tinh tế, thi sĩ đã ghé sát ống kính của thơ mình để đặc tả thật cận cảnh, khiến cho những cành nhánh nhỏ nhoi mảnh mai nhất cũng như đang run rẩy lên tựa dây đàn trên dòng thơ. Và ta có thể thấy rõ không chỉ bằng thị giác mà bằng cả thính giác và xúc giác nữa cái luồng rung động tinh vi ấy đang truyền theo nhịp rung qua một chuỗi bốn âm “r” kế tiếp.

Cứ kĩ lưỡng tinh vi như thế, Xuân Diệu thả hồn mình cảm nhận những nét đang tượng hình, đang hiện hình trong mỗi tạo vật thiên nhiên càng lúc càng lan xa mãi:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò
Đến đây ta mới thật sự bị cái giá lạnh của mùa thu xâm chiếm, cái cảm giác thu đã thành sắc nét trên da thịt ta. Mùa thu cứ lan ra, xa nhất, rộng nhất, cao nhất với dòng sông, ngọn núi, với mây trời, cánh chim và cả nàng trăng nữa. Nhưng chỉ đến khi xâm chiếm tâm hồn các thiếu nữ thì mùa thu mới chiếm ngự được nơi sâu nhất của cõi này:
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì
Mùa thu - mùa phôi pha đã gieo buồn vào hồn người? Đã đánh thức dậy nỗi cô đơn? Tựa cửa nhìn xa với khao khát lứa đôi? Hay mùa phôi pha phai lạt đang đánh thức dậy một dự cảm mơ hồ về cái độ phai tàn tuy còn xa xôi mà đã như diễu qua nhỡn tiền đó? Làm sao ta biết được! Chỉ biết rằng khuất sâu trong cái dáng “buồn không nói”, “tựa cửa nhìn xa” ngỡ bất động kia lại chất chứa biết bao xôn xao thấm thía vào bậc nhất của cõi thu này.
[1] Về văn bản, cho đến nay, sách giáo khoa Văn 11 (năm 2002) còn in là “rủa”, điều này cho thấy soạn giả chưa cập nhật về thông tin. Ở đây, chúng tôi theo bản in trong tập Thơ thơ, NXB Đời nay, 1938 và bản in trong Tuyển tập Xuân Diệu (tập 1), NXB Văn học, 1983. Đây là những văn bản sinh thời tự tay Xuân Diệu chăm sóc sửa chữa. Về “lai lịch” của chữ, nhiều người vẫn coi lúc đầu Xuân Diệu viết là “rủa” bởi muốn học theo cách dùng chữ trong thơ Pháp, diễn tả sự xung đột gay gắt của sắc màu. Nhưng về sau, tự nhận thấy chữ “rủa” như thế vừa quá Tây, vừa không được nhã lắm theo mỹ cảm truyền thống, nên thi sĩ đã sửa lại thành “rũa”. Nó vẫn diễn tả được xung đột, vận động, mà lại giàu thi vị hơn. Nếu quả như thế, thì có thể xem từ “rủa” đến “rũa” là một minh chứng rất thuyết phục cho quá trình Việt hoá trong nghệ thuật tu từ của nhà thi sĩ vẫn được xem là “rất Tây” này. Tuy nhiên, gần đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh lại cho biết trong một lần trò chuyện với Xuân Diệu, thi sĩ đã “rất tức” mà nói rằng: chưa bao giờ ông viết là “rủa” cả!
Nguồn: Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003