Đồng chí

Việt Nam / Lớp 9 » Chính Hữu

Nội dung

Quê hương anh nước mặn, đồng chua[1]
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ[2]
Đồng chí[3]!

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối[4]
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
[1] Nước mặn đồng chua: vùng đất nhiễm mặn ở ven biển và vùng đất phèn có độ chua cao, là những vùng đất xấu khó trồng trọt.
[2] Tri kỉ: biết mình; đôi tri kỉ: đôi bạn thân thiết (hiểu bạn như hiểu mình).
[3] Đồng chí: người có cùng chí hướng, lí tưởng. Người cùng ở trong một đoàn thể chính trị hay một tổ chức cách mạng thường gọi nhau là “đồng chí”. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, “đồng chí” thành từ xưng hô quen thuộc trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội.
[4] Sương muối: sương giá đọng lại thành những hạt nhỏ trắng xoá như muối trên cây cỏ hay mặt đất. Ở miền Bắc nước ta về mùa đông, những ngày có sương muối trời rất rét.
2-1948

Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính Cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).

Nguồn:
1. Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
2. Ngữ văn 9, NXB Giáo dục, 2009